Hồng Chuyên biển đảo: Hành trình tôn vinh sự thật

25/12/2020
Với cây viết Hồng Chuyên, làm báo không chỉ nói mà phải làm. Những chuyến đi Trường Sa cho anh biết thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời cũng hiểu thêm cuộc sống người lính biển và hậu phương của họ.

Lọt giữa rừng biển hiệu trên phố Phùng Hưng, Hà Đông, cửa hàng đông trùng hạ thảo Tashi và thảo mộc quý nằm khiêm nhường. Ông chủ người thấp đậm, da đen cháy với mái đầu cắt cua để lộ mảng tóc bạc trước trán vốn được tiếng trong giới là đưa sản phẩm cao cấp đến với người bình dân bằng giá cạnh tranh. Nhưng không phải ai cũng biết anh là Nguyễn Văn Cường, một nhà báo viết về biển đảo có thương hiệu – Hồng Chuyên biển đảo của tờ Infonet.

Từ nhà báo “sống chết” với Trường Sa đến lập nhóm Hậu phương người lính biển, rồi làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ với mong muốn phủ xanh và hình thành hệ sinh thái cho đảo nổi, với Nguyễn Văn Cường thì đó là một hành trình đi từ cầm bút vì sự thật đến thâm nhập để thay đổi những gian dối. “Với tôi, làm báo không nên chỉ nói, mà phải làm…”, Cường chia sẻ.

Hồng chuyên

3 lần sống cùng lính biển, 3 lần lột xác

Tháng 6/2013, Cường lần đầu ra Trường Sa. Là nhà báo đã có nhiều bài viết về biển đảo, thâm nhập thực tế là một mong mỏi của cây viết Hồng Chuyên. “Khi chọn bút danh, tôi nhớ lời Bác Hồ căn dặn đại ý rằng thanh niên phải vừa hồng vừa chuyên, nên đến Trường Sa là tâm nguyện để được nhìn, được biết đến từng phần đất của Tổ quốc mình vẫn viết mỗi ngày”, Cường thổ lộ.

Nhưng mong là vậy, trong lòng Hồng Chuyên còn lắm băn khoăn. Anh vốn bị say tàu xe, không di chuyển bằng ô tô được xa, đằng này là đi biển dài ngày, chỉ từng con sóng đã là mỗi thách thức. “Tôi vốn coi công việc trên hết, nên đi”, anh nói.

Đó là chuyến đi đáng nhớ với Cường. Khi đó, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến đi cho một số thân nhân lính biển, đi khá nhiều đảo với thời gian hơn 10 ngày. Qua ít ngày biển lặng, những ngày cuối gặp lúc biển động, với Cường mỗi con sóng tàu vượt qua thì anh như trải một cực hình. Nhiều ngày không ăn uống được, nôn nhiều đến ra máu, nhưng đó cũng là lần đầu tiên anh thấy cuộc sống người lính biển, những khó khăn và mất mát trong cuộc sống của họ.

Chuyến đi cho anh nhiều điều, từ cây viết về biển đảo bằng lý thuyết, pháp lý thì nay có thêm thực tế. Hơn tất cả, qua khó khăn anh nhận ra mọi thứ tưởng như không thể vượt qua rồi cũng sẽ đến lúc biến mất, chỉ cần một định hướng đúng và bản lĩnh như người lính biển. Những bài viết của Hồng Chuyên giai đoạn này đầy trăn trở về người lính biển, có lẽ đó cũng là điều thôi thúc anh tiếp tục gắn với biển đảo.

Nhưng, đến chuyến ra biển lần thứ hai thì không chỉ còn mỗi thách thức là say sóng. Tháng 6 năm sau đó, Hồng Chuyên tiếp tục ra biển Hoàng Sa, ngay khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc thâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trong nhiều ngày, Trung Quốc huy động có lúc tới 150 tàu các loại, gồm cả tàu hộ vệ tên lửa và máy bay cánh bằng… bảo vệ giàn khoan bất hợp pháp. Hồng Chuyên cũng liên tục xen giữa những lần lao lên tác nghiệp là nằm say sóng, như “chết đi sống lại”.

Nhưng qua chuyến đi này, cây bút Hồng Chuyên lại thêm một lần “lột xác”. Anh hiểu hơn thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, những hiểm nguy luôn bủa vây. “Nó càng thôi thúc tôi không chỉ viết mà làm những điều ý nghĩa với biển đảo”, anh nói. Sau chuyến đi, Hồng Chuyên lập nhóm Hậu phương người lính biển, tập hợp bạn bè nhà báo, các mạnh thường quân… để tìm những cảnh đời hậu phương người lính biển gặp khó khăn, giúp họ bằng khả năng của những tấm lòng thiện nguyện.

Lần thứ 3 ra biển, tại quần đảo Trường Sa, Cường ở một vị trí khác – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ. Đó là vào tháng 6 năm ngoái, anh dành tới 38 ngày đi nhiều đảo nổi để khảo sát và lên phương án phủ xanh đảo. Hành trang quan trọng nhất là giống cỏ Vetiver có khả năng chống xói mòn, rửa trôi đất, tạo sinh khối để sử dụng trong chăn nuôi, làm phân bón…

Đó cũng là một chuyến đi để “trả nợ” lính biển, những người từng coi anh như người thân, những người cho anh thấy nghị lực sống và bản lĩnh can trường trước đầy rẫy khó khăn và thách thức. Nhưng một lần nữa, Cường chịu thử thách của biển cả. Hành trình dài trải qua nhiều ngày sóng dữ, có lúc tàu đứt neo nghiêng đến 35 độ, có lúc “chôn chân” giữa biển vì sóng lớn không thể vào đảo… Nhưng 38 ngày đó đã đặt lên nhiều đảo nổi ước vọng được phủ xanh.

“Tôi nói với họ, sau một năm nếu chỉ một cây cỏ còn trụ lại và mọc được thì dự án thành công”, Cường nói. Và đúng như anh kỳ vọng, hôm 13/6 vừa rồi, một chính trị viên tàu chụp và gửi cho Cường bức ảnh cây cỏ Vetiver lên xanh một vạt. “Em í nói cỏ đã được cắt cho lợn ăn”, Cường chia sẻ mà mừng ra mặt. Bởi đó cũng là chuyến đi anh đặt nhiều tâm huyết. Thành công giúp cho dự án của Viện được tin tưởng hơn, ủng hộ nhiều hơn nữa.

Hành trình tôn vinh sự thật

Với cây viết Hồng Chuyên, làm báo không chỉ nói mà phải làm. Những chuyến đi Trường Sa cho anh biết thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đồng thời cũng hiểu thêm cuộc sống người lính biển và hậu phương của họ. Hồng Chuyên từng bước can dự vào cuộc sống.

Năm 2014, sau chuyến “ra biển” lần thứ 2, anh lập nhóm Hậu phương người lính biển với tâm nguyện muốn hỗ trợ gia đình người lính. Hàng chục trường hợp hậu phương người lính gặp khó khăn đã được nhóm hỗ trợ, như trường hợp con lính biển mồ côi cả cha lẫn mẹ được nhóm hỗ trợ đến khi trưởng thành; giúp đỡ người lính biển có vợ bị ung thư; giúp đỡ nhiều thân nhân lính biển khác bị ung thư, bệnh trọng, con lính biển không hậu môn…

Quá trình hỗ trợ nhiều người bệnh, Hồng Chuyên lưu giữ một băn khoăn về nguồn cơn gây bệnh. Khi chuyển nhà từ Ba Đình về Hà Đông, anh chứng kiến nhiều lần cảnh người nông dân phun thuốc sâu, thuốc diệt cỏ trên ruộng rau, anh ngộ ra “bệnh tật vào qua miệng”. Sự chiêm nghiệm ấy thôi thúc Hồng Chuyên quan tâm đến thực phẩm sạch.

Khởi đầu từ việc gom thịt lợn, gà sạch quanh xóm cho bạn bè, người thân, Hồng Chuyên sau khi được một người bạn từ Nhật về đã chia sẻ về mô hình nuôi giun, trùn quế nhỏ để làm phân bón sạch cho cây trồng. “Nhưng tôi nhận thấy nếu chỉ làm vậy thì sẽ rất khó thay đổi cách thức canh tác, chăn nuôi của người nông dân, thị trường vẫn phải dùng mãi thực phẩm không sạch, nên quyết định sẽ hỗ trợ họ thay đổi cách làm nông nghiệp”.

Ấp ủ từ năm 2015, đến 10/5/2017 thì Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ được thành lập, Nguyễn Văn Cường trở thành Viện trưởng với đề tài đầu tiên Thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ để trồng rau xanh tại quần đảo Trường Sa. Nhưng đồng thời bên trong anh vẫn đau đáu chuyện ứng dụng cách thức làm nông nghiệp hữu cơ sao cho phổ cập rộng rãi hơn ra xã hội.

Tuy thế, “làm nông nghiệp hữu cơ gặp rất nhiều khó khăn”, Cường chia sẻ. Thách thức đầu tiên là giá khó cạnh tranh. Một mớ rau hữu cơ giá có thể đến 80 nghìn đồng, trong khi rau thường chỉ khoảng 5-10 nghìn đồng nên nhiều người vẫn chọn rau giá rẻ hơn.

Cách làm của Cường là tìm những người đã thành công ở lĩnh vực khác nhưng quan tâm đến thực phẩm sạch, hỗ trợ họ để có nông sản sạch. Một trang trại gà không sử dụng thức ăn công thức, một trang trại dược liệu nuôi trong điều kiện sinh thái tự nhiên, một mô hình rau không sử dụng hóa chất trong chăm, bón… Từng dự án, Cường tăng sản lượng thực phẩm sạch cho thị trường, đồng thời hỗ trợ khách hàng cho nông dân. “Giúp họ cách làm thôi không đủ, phải giúp cả thị trường mới giữ cho mô hình nông nghiệp hữu cơ được bền vững”, Cường chia sẻ.

Làm nông nghiệp sạch cũng cho Cường tiếp xúc nhiều với công nghệ mới, nhưng càng đưa công nghệ vào thì giá thành sản phẩm lại tăng. Cũng lại qua hình ảnh  khó khăn của thân nhân lính biển bị bệnh trọng, anh chuyển hướng quan tâm nhiều hơn đến thảo dược. “Tác dụng với bệnh tốt thì thảo dược dù giá cao vẫn tiêu thụ được. Nhưng quan điểm của tôi là giảm giá thảo dược quý xuống mức người bình thường cũng có thể dùng được”, anh chia sẻ.

Cường đang đi những bước chắc chắn với công nghệ làm đông trùng hạ thảo. Từ bột nhộng tằm với khoáng chất và một số nguyên liệu khác, phân lập đúng chủng loại Cordyceps Militaris từ Hàn Quốc và nuôi trong điều kiện mô phỏng tự nhiên, sản phẩm đưa ra có hàm lượng cordycepin và adenosine khá tốt. “Tôi làm nông nghiệp hữu cơ vì suy nghĩ có thể đưa công nghệ, tư duy tôn trọng tự nhiên vào sản xuất, tạo sản phẩm tốt cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, duy trì nguồn gen bản địa. Đó là tổng hòa những điều tốt đẹp mà một nền nông nghiệp hữu cơ có thể cống hiến cho quốc gia, dân tộc”, Cường nói.

Link dẫn trực tiếp: http://thoibaonganhang.vn/hong-chuyen-bien-dao-hanh-trinh-ton-vinh-su-that-89106.html

Các bài viết khác

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG
02/06/2021

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG

"Tính đến nay, đã gần tròn 4 năm từ bỏ nghề báo để nghiên cứu và thực hành nông nghiệp hữu cơ, nhưng những trăn trở và nhiệt huyết của tôi với lĩnh vực này ngày càng sôi sục" - Ông Nguyên Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ chia sẻ.

Xem thêm
Đông trùng hạ thảo TASHI: Thương hiệu phát triển từ ứng dụng khoa học
13/01/2021

Đông trùng hạ thảo TASHI: Thương hiệu phát triển từ ứng dụng khoa học

Đông trùng hạ thảo TASHI là một thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường đông trùng hạ thảo nhưng đã nhanh chóng được tin cậy và lựa chọn làm món quà tặng ý nghĩa trong dịp lễ, tết.

Xem thêm
Vì sao Đông trùng Hạ thảo có giá lên tới hơn 2 tỷ đồng/kg?
13/01/2021

Vì sao Đông trùng Hạ thảo có giá lên tới hơn 2 tỷ đồng/kg?

Ngoài nguồn gốc hiếm hoi, sự kết hợp kỳ lạ của loài ấu trùng bướm và loài nấm ở Himalaya, Đông trùng Hạ thảo là một trong những dược liệu mà cả Y học phương Đông và Y học phương Tây đều thừa nhận...

Xem thêm
Vì sao lại gọi là Đông trùng Hạ thảo?
13/01/2021

Vì sao lại gọi là Đông trùng Hạ thảo?

Có một số người cho rằng gọi Đông trùng Hạ thảo nuôi cấy là "nấm đông trùng hạ thảo" để phân biệt với Đông trùng Hạ thảo tự nhiên. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại cho rằng điều đó không quan trọng...

Xem thêm
Chat Zalo

0916021909