Bỏ nghề báo đi làm nông nghiệp hữu cơ

14/12/2020
Trên tay người đàn ông gần 40 tuổi ấy lại là một nắm phân bò lúc nhúc những con giun quế, gương mặt đã sạm đi vì nắng và gió của anh thoáng lên ánh mắt mãn nguyện khi rắc những nắm phân và giun xuống những luống rau xanh mướt dưới chân. Đó chính là vườn rau hữu cơ của anh Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội.

Bước chuyển biến lớn trong đời

Nhà báo Nguyễn Văn Cường đã có 20 năm theo nghiệp báo chí với bút danh Hồng Chuyên Biển Đảo. 20 năm công tác là một khoảng thời gian rất dài, sự nghiệp báo chí của anh đang rất thuận lợi, đồng nghiệp và cơ quan đều ủng hộ cho công việc của anh.

bỏ nghề báo đi làm nông nghiệp hữu cơ

Anh Nguyễn Văn Cường –  Viện Trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ

Đi thực tế về nông nghiệp, anh Cường nhận ra việc lạm dụng hóa chất ở nước ta đang xảy ra khá nhiều. “Khi nhà tôi vẫn còn ở quận Ba Đình (Hà Nội), sự tiếp xúc với thực phẩm hằng ngày của tôi chỉ đơn giản là ra chợ mua về chứ không hề biết nguồn gốc của những thứ ấy đến từ đâu và những người buôn bán đã xử lý như thế nào. Chỉ khi chuyển nhà xuống khu vực bãi bồi của sông Đáy, Hà Đông thì tôi bắt đầu có sự thay đổi. Tôi nhận ra được sự khác nhau đến từ nguồn thực phẩm mà tôi ăn hằng ngày so với thực phẩm trước kia trong nội thành Hà Nội” – anh Cường chia sẻ. Nhưng cũng chính ở đấy, nhà báo dày dặn kinh nghiệm đã phải giật mình khi nhìn thấy cách thức người nông dân trồng rau. Có những khu vườn trồng rau được cắm biển “Rau an toàn” nhưng những bãi cỏ xung quanh lại bị cháy xém bởi thuốc diệt cỏ. Người nông dân vẫn ngày ngày đeo bình thuốc sâu trên lưng để phun xuống vườn rau của họ.

Dân trồng rau nói: “Chúng tôi cũng không hề muốn phun thuốc trừ sâu, nhưng nếu không phun thuốc thì mang ra chợ chúng tôi sẽ không bán được hàng, tư thương người ta sẽ lập tức chê và ép giá. Lúc đó chúng tôi sẽ không có tiền để nuôi con.” Câu trả lời thật thà của người nông dân đã khiến anh day dứt. Ngày 10/5/2017, nhà báo Nguyễn Văn Cường đã đưa ra một trong những quyết định lớn lao của cuộc đời mình. Đó là rời xa nghiệp báo chí sau gần 20 năm lao động và cống hiến hết mình để đến với một lĩnh vực mới: Nông nghiệp hữu cơ.

Anh bắt đầu công cuộc làm nông nghiệp sạch của mình bằng việc kêu gọi người thân, bạn bè của mình sử dụng thịt lợn do chính tay những người nông dân nuôi bằng cám và không hề có thuốc tăng trọng. Tìm được nơi đồng ý bán thịt lợn sạch là việc khó vô cùng. Những con lợn ấy được người nông dân nuôi là để dành cho gia đình của họ ăn mà thôi.

Hôm đó anh thức trắng đêm để ghi nhận và quan sát quá trình người nông dân thịt con lợn. Anh Cường cũng đã livestream trên Facebook cá nhân quá trình đó vì anh muốn chia sẻ nguồn gốc, chất lượng của những miếng thịt lợn sạch với người thân, bạn bè của mình. Sáng sớm hôm sau, anh mang từng miếng thịt lợn tươi ngon, vẫn còn nóng hôi hổi đến cho từng người thân và bạn bè. Khi trao những gói thịt lợn chất lượng ấy, anh muốn họ trân trọng và nhận thấy được sự khác biệt của thực phẩm sạch.  

Chuyện về loài giun quế

Một người bạn du học ở Nhật về kể cho anh Cường nghe câu chuyện về loài giun quế (hay còn được gọi là trùn quế) bên xứ Phù Tang. Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua, hai người bạn vẫn ngồi đó, chia sẻ cho nhau câu chuyện về loài giun tuy nhỏ bé nhưng lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong Nông nghiệp hữu cơ: là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho vật nuôi, cải tạo đất, xử lý ô nhiễm, phân gia súc gia cầm khi đi qua chuồng giun sẽ lập tức được khử mùi…

“Tại sao ở nước ngoài người ta làm được mà mình không làm được?” Ngay sau đó anh đã tìm mua, nuôi và nhân giống loài giun này. Anh đã mua một chiếc thùng xốp dung tích 30 lít để nuôi giun, hằng ngày anh cho những cọng rau vào thùng. Anh nhận thấy rằng ngọn rau héo, thối đến đâu đàn giun quế ăn hết đến đấy, rồi sau đó lại sản sinh ra phân bón hữu cơ, có thể dùng để cung cấp dưỡng chất cho rau. Rồi có lần anh đi xin phân bò về cho giun ăn, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ, mùi hôi thối của phân đã được đàn giun xử lý hết.

Để nuôi được giun quế không hề khó, thời gian và chi phí phải bỏ ra cũng không hề nhiều. 2 ngày mới phải cho giun ăn 1 lần, thức ăn cho giun có thể tận dụng phân bón ở trong trang trại.

“Làm Nông nghiệp hữu cơ mà thiếu đi loài giun quế thì chỉ là sự nửa vời và thất bại”, anh Cường nói.

“Tôi tự nhận thấy rằng câu chuyện về Nông nghiệp hữu cơ không đơn giản chỉ là chăn nuôi, trồng trọt hay là ‘con cá, lá rau’ mà ẩn sau đó là cả một triết lý sống: ‘Ta cần phải sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên cũng như môi trường xung quanh”, anh Cường nói.

Nông nghiệp hữu cơ ra quần đảo Trường Sa

Từ ngày 14/5/2018 đến ngày 21/6/2018, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ đã mang theo 10 tấn phân giun quế, 1000 gói phân hữu cơ sinh học nano, 15 tháp rau, 1000 bầu cỏ Vetiver và các loại vi sinh vật sống kèm theo ra quần đảo Trường Sa để thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ tại nơi đây.  

Chuyến đi bão tố

Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ xuất phát ngày 14/5 đi vận chuyển lương thực thực phẩm cho các đảo ở Trường Sa, dự kiến sau 1 tháng là trở về đất liền.

bỏ nghề báo

Anh Nguyễn Văn Cường (ngoài cùng bên trái) trong chuyến đi  thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ trên Quần đảo Trường Sa.

(Ảnh: Viện nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ)

Sáng hôm ấy, khi mà tàu vẫn neo ở đảo Sơn Ca, đột nhiên con tàu bị rung lắc một cách kinh khủng. Bên ngoài cơn cuồng phong vần vò con tàu, còn phía bên trong tất cả vật dụng đồ đạc “chạy” hết từ bên này sang bên kia, cứ thế loang choang trên tàu. Mọi thứ đều trở nên hỗn loạn. Mãi sau này khi được nghe thủy thủ đoàn kể lại, anh Cường mới biết đó là giây phút con tàu bị đứt neo. Điều đáng tiếc nhất đối với anh Cường khi gặp cơn bão không phải nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với sự hung dữ của biển cả mà chính là món quà của anh dành cho các chiến sĩ nơi đảo xa. Đó là tháp rau mang tên Trường Sa 12, đã bị một chiếc tủ lạnh trên tàu làm văng xuống biển khi con tàu đứt neo.

Lúc bấy giờ, tình hình hết sức nguy cấp, tàu đã bị nghiêng 35 độ, nước biển đã đánh ập vào một bên mạn tàu. Giây phút đối mặt với sự sống và cái chết, thuyền trưởng tàu đã quyết đoán đưa ra quyết định cho con tàu đi trong đêm để quay lại một đảo lớn khác. Gió to sóng lớn đến mức mỗi một giờ con tàu đi không tới một hải lý, thậm chí còn có có lúc đi lùi. Mặc dù khoảng cách để quay lại đảo lớn không xa nhưng phải mất gần một đêm đoàn mới tới nơi để thoát khỏi sự nguy hiểm của cơn bão hung dữ phía trước.

Nhà báo với bút danh Hồng Chuyên từng nhiều lần chứng kiến những cây rau bắp cải được bọc giấy báo, từ đất liền lênh đênh trên biển hơn chục ngày trời mới có thể đến được tay những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Sau khi tách bỏ đi những phần đã hỏng thì chỗ có thể ăn được của cây bắp cải chỉ còn vỏn vẹn như nắm tay.

Từ ngày 14/5/2018 đến ngày 21/6/2018, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ đã mang theo 10 tấn phân giun quế, 1000 gói phân hữu cơ sinh học nano, 15 tháp rau, 1.000 bầu cỏ Vetiver và các loại vi sinh vật sống kèm theo ra quần đảo Trường Sa để thử nghiệm hệ sinh thái hữu cơ tại nơi đây. Họ đã tận dụng được lá phong ba rụng trên đảo để làm thức ăn cho giun quế để rồi từ đấy, giun sẽ tạo ra đất để trồng rau.

Rễ của cỏ Vetiver có thể dài đến 4m, đã được sử dụng để gia cố cho nền đảo, tránh việc bị trượt cát. Cỏ Vetiver có thể hấp thu một phần muối mặn khi ngấm vào trong đảo và làm ngọt hóa đảo. Thân của cỏ Vetiver có thể cao đến 2,5m, có thể tận dụng bằng việc cắt cỏ xuống để che phủ cho tháp rau không bị mất nước khi bị ánh nắng chiếu xuống. Lá cỏ phân hủy sẽ trở thành phân bón cho rau.

làm nông nghiệp hữu cơ

Những tháp rau đầu tiên được trồng thử nghiệm trên quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Viện nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ)

Sau 38 ngày nơi hải đảo, khi về đất liền một thời gian anh Cường đã nhận được khá nhiều thông tin khả quan về hệ sinh thái trên quần đảo Trường Sa. Cỏ Vetiver trên đảo Sinh Tồn đã mọc lên xanh tốt, những tháp rau cũng cho những dấu hiệu phát triển ổn định, hứa hẹn những làn rau xanh mướt sẽ lớn dần giữa gió và biển nơi quần đảo Trường Sa.

Link dẫn bài trực tiếp : https://nongnghiep.vn/bo-nghe-bao-di-lam-nong-nghiep-huu-co-post229665.html

5 lý do mua đông trùng hạ thảo làm quà tặng?

Đông trùng hạ thảo Tashi được bán ở đâu?

Các bài viết khác

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG
02/06/2021

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ - LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG

"Tính đến nay, đã gần tròn 4 năm từ bỏ nghề báo để nghiên cứu và thực hành nông nghiệp hữu cơ, nhưng những trăn trở và nhiệt huyết của tôi với lĩnh vực này ngày càng sôi sục" - Ông Nguyên Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ chia sẻ.

Xem thêm
Đông trùng hạ thảo TASHI: Thương hiệu phát triển từ ứng dụng khoa học
13/01/2021

Đông trùng hạ thảo TASHI: Thương hiệu phát triển từ ứng dụng khoa học

Đông trùng hạ thảo TASHI là một thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường đông trùng hạ thảo nhưng đã nhanh chóng được tin cậy và lựa chọn làm món quà tặng ý nghĩa trong dịp lễ, tết.

Xem thêm
Vì sao Đông trùng Hạ thảo có giá lên tới hơn 2 tỷ đồng/kg?
13/01/2021

Vì sao Đông trùng Hạ thảo có giá lên tới hơn 2 tỷ đồng/kg?

Ngoài nguồn gốc hiếm hoi, sự kết hợp kỳ lạ của loài ấu trùng bướm và loài nấm ở Himalaya, Đông trùng Hạ thảo là một trong những dược liệu mà cả Y học phương Đông và Y học phương Tây đều thừa nhận...

Xem thêm
Vì sao lại gọi là Đông trùng Hạ thảo?
13/01/2021

Vì sao lại gọi là Đông trùng Hạ thảo?

Có một số người cho rằng gọi Đông trùng Hạ thảo nuôi cấy là "nấm đông trùng hạ thảo" để phân biệt với Đông trùng Hạ thảo tự nhiên. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại cho rằng điều đó không quan trọng...

Xem thêm

0916021909